Tin tức sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
thống kê truy cập
Số người truy cập: 140908
Hôm nay: 65
Đang online: 15
Thông tin Y Dược
1. WHO: Nghiện game bị xếp vào dạng rối loạn tâm thần
Quý I/2018, lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt hành vi nghiện game là một hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần.
Như vậy, tài liệu Phân loại Bệnh tật quốc tế lần thứ 11 của WHO (ICD) sẽ bao gồm thêm điều khoản “rối loạn game”.
Trong tài liệu này, hành vi này được mô tả là diễn ra liên tục hoặc tài diễn trầm trọng đến mức “ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác”. Một số quốc gia trên thế giới hiện nay đã coi hành vi nghiện game là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng và thành lập các phòng khám trị liệu nghiện để điều trị hành vi này.
Theo tài liệu ICD, hành vi chơi game bất thường cần được chứng minh trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng để “chẩn đoán” tình trạng, tuy nhiên ICD cũng nói thêm rằng giai đoạn này có thể rút ngắn “nếu các triệu chứng nghiêm trọng”, bao gồm: thiếu kiểm soát về việc chơi game (tần số, cường độ, thời gian”, ưu tiên quá nhiều cho việc chơi game cho dù xảy ra những hậu quả tiêu cực.
2. Ăn quá nhanh - một nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Hiroshima Nhật Bản, đứng đầu là TS. Takayuri Yamaji đã phát hiện ra rằng cách ăn, uống ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc bệnh của họ.
Cụ thể việc ăn quá nhanh có thể khiến cơ thể bạn bị “sốc” đường và sinh ra phản ứng kháng insulin. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường.
Nghiên cứu đã theo dõi hơn 1.000 nam giới và phụ nữ trung niên trong vòng 5 năm. Những người tham gia nghiên cứu phải ghi lại cách ăn, uống của họ và tầm soát bệnh tiểu đường. Họ được chia làm 3 nhóm: Nhóm có thói quen thưởng thức kỹ bữa ăn bằng cách ăn thật chậm rãi, nhóm ăn với tốc độ trung bình và nhóm thường xuyên phải ăn thật nhanh để tiết kiệm thời gian. Trong 5 năm nghiên cứu, chỉ hơn 2% người thuộc nhóm ăn chậm phát triển hội chứng chuyển hóa, trong khi tỉ lệ ở nhóm ăn tốc độ trung bình là 6,5%. Có tới 11,6% người ở nhóm ăn nhanh đối mặt với tiểu đường.
Theo các nhà nghiên cứu, tốc độ ăn đã ảnh hưởng đến một số mặt hoạt động của não bộ. Khi bạn ăn quá nhanh, cơ thể đã nạp đủ lượng cần thiết nhưng bộ não chưa kịp ghi nhận và phát tín hiệu “đã no” khiến bạn vẫn còn cảm giác muốn ăn và sẽ ăn quá nhiều.
Quan trọng hơn, việc nạp nhanh một lượng thực phẩm sẽ làm biến đổi nồng độ glucose trong máu đột ngột, lâu ngày dẫn đến phản ứng đề kháng insulin chính là lý do gây ra tiểu đường. Vì thế, bạn nên tìm lại thói quen thư thả tận hưởng những bữa ăn ngon lành và đủ dinh dưỡng.
3. Ngăn chặn đề kháng kháng sinh: từ nhận thức đến hành động
Tuân thủ điều trị và chủ động phòng ngừa bệnh tật bằng vắc-xin sẽ góp phần giảm thiểu đề kháng kháng sinh, nguyên nhân có thể khiến 10 triệu người tử vong tính đến năm 2050.
19 ca tử vong mỗi phút do đề kháng kháng sinh
Đề kháng kháng sinh (ĐKKS) xảy ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên bất hoạt với kháng sinh. Việc kê toa kháng sinh không hợp lý, sử dụng rộng rãi và kéo dài trong điều trị cũng như dự phòng, kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi v.v… là những nguyên nhân làm gia tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn.
ĐKKS đang tăng lên mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia. Các bệnh truyền nhiễm phổ biến: viêm phổi, lao, bệnh lậu, và nhiễm trùng máu đang trở nên khó điều trị hơn vì kháng sinh ngày càng kém hiệu quả. Thậm chí cả một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” cũng đang mất dần hiệu lực.
ĐKKS tạo ra một gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Mỗi năm, thế giới phải chi hàng trăm tỷ USD để kiểm soát tình trạng số lượng ca tử vong do kháng thuốc tăng cao và nghiên cứu phát triển kháng sinh mới. Điển hình, con số đầu tư cho nghiên cứu kháng sinh mới điều trị bệnh lao phổi mỗi năm lến đến hơn 800 triệu USD; nhưng 50 năm qua chỉ có hai kháng sinh mới được phát triển và vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm.
Vai trò của bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân trong ngăn ngừa ĐKKS
Theo khảo sát của WHO năm 2015 tại Việt Nam, 74% đáp viên đồng ý rằng “đề kháng kháng sinh là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt”(4). Mỗi người đều có trách nhiệm nâng cao nhận thức và hành động cụ thể để chống lại ĐKKS.
Đối với bệnh nhân: khi có triệu chứng bệnh nên đến bác sĩ thăm khám và tuân thủ theo chỉ định điều trị, không nên tự ý uống hay chia sẻ thuốc cho người khác. Ngoài ra, cần ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” qua việc tiêm ngừa, giữ gìn vệ sinh cá nhân và nâng cao môi trường sống,...
Nhân viên y tế là những người nắm giữ vai trò chính trong việc duy trì hiệu lực của các kháng sinh. Để làm được điều này, nhân viên y tế hướng đến kê toa kháng sinh hợp lý, giúp cho bệnh nhân được điều trị và cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn:
Đối với bác sĩ: xác định vi khuẩn gây bệnh để lựa chọn kháng sinh theo các phác đồ và hướng dẫn điều trị; lưu ý phổ tác dụng, dược động học, dược lực học (điểm gãy PK/PD) của thuốc; và nhấn mạnh với bệnh nhân về việc tuân thủ điều trị.
Đối với dược sĩ: tư vấn cho bác sĩ về liều dùng khi điều trị với kháng sinh; tác dụng không mong muốn; độc tính; và các lưu ý về tương tác thuốc.
Nỗ lực của ngành Dược trong cuộc chiến ĐKKS
Tại UNGA tháng 9/2016, GSK đã đưa ra cam kết phòng chống ĐKKS toàn cầu, khuyến nghị đưa vấn đề này trở thành một bước bắt buộc trong quá trình giải quyết các thách thức về chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Để tạo cơ sở dữ liệu nghiên cứu ĐKKS, GSK tiến hành SOAR là chương trình giám sát độ nhạy cảm của các vi khuẩn đối với kháng sinh, mang tầm vóc toàn cầu. SOAR giúp thu thập các mẫu phân lập của những chủng vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng (CA-RTIs) để phân tích và theo dõi mức độ nhạy cảm của những tác nhân vi khuẩn này đối với các kháng sinh hiện có, tại nhiều quốc gia.
Đây đồng thời là cơ sở dữ liệu tham khảo dành cho nhân viên y tế trong việc nghiên cứu dược lâm sàng, cũng như ứng dụng để tối ưu hóa phác đồ điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, phù hợp theo từng địa phương.
Song song với thúc đẩy nghiên cứu kháng sinh mới, GSK chú trọng việc đầu tư nghiên cứu các vắc xin mới ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Và phối hợp cùng các Hội Y khoa trong các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của tiêm ngừa. Đây được xem như phương pháp hiệu quả trong việc giải quyến vấn đề ĐKKS và hạn chế sự phụ thuộc vào kháng sinh mới.
4. Rượu phá hủy vĩnh viễn DNA, làm tăng nguy cơ ung thư
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Anh chứng minh cho thấy cơ chế rượu phá hủy vĩnh viễn DNA (deoxyribonucleic) của tế bào gốc có vai trò sản xuất máu mới dẫn đến làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư: miệng, cổ họng, thanh quản, thực quản, vú, gan và ruột.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng acetaldehyde được tạo ra trong quá trình xử lý cồn - acetaldehyde là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển các loại ung thư. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thí nghiệm trên chuột được cho uống rượu pha loãng sau đó chúng được phân tích nhiễm sắc thể và DNA để kiểm tra sự phá hủy do acetaldehyde gây ra. Theo tác giả chính, TS. Ketan Patel: “Chất acetaldehyde có thể phá vỡ và phá hủy cấu trúc DNA trong tế bào máu gốc, điều này khiến việc sắp xếp lại các nhiễm sắc thể và thay đổi vĩnh viễn chuỗi DNA trong các tế bào này. Phát hiện này có thể giải thích cơ chế rượu làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư vì một số loại ung thư phát triển do sự hư hại của DNA trong tế bào gốc”. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu cách thức cơ thể quản lý acetaldehyde và thấy rằng acetaldehyde bị phá hủy bởi aldehyde dehydrogenases (ALDH). Tuy nhiên, nhiều người ALDH bị khiếm khuyết do đó không thể phá hủy acetaldehyde sau khi uống rượu, điều này cũng giải thích tại sao những người này không thể phục hồi sức khỏe sau khi uống rượu. Và việc tích tụ acetaldehyde này có thể dẫn đến tổn hại DNA lớn hơn.
5. Đau đầu gối có thể dẫn đến trầm cảm
Viêm xương khớp ảnh hưởng tới hàng triệu người trên khắp thế giới. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng đau đầu gối do viêm xương khớp có thể dẫn tới trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu từ Nhật bản gần đây đã công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng của đau đầu gối lên bệnh trầm cảm. Cho tới nay, có ít nghiên cứu tập trung vào đau đầu gối và chức năng gối suy giảm có liên quan tới trầm cảm như thế nào.
Để tìm hiểu vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thông tin từ 573 người ở độ tuổi từ trên 65 tuổi tham gia vào Nghiên cứu Kirabuchi, một nghiên cứu theo dõi sức khỏe của người già sống ở trung tâm của Nhật bản.
Khi bắt đầu nghiên cứu (từ năm 2005 tới 2006), không người tham gia nào bị trầm cảm. Hai năm sau, phần lớn trong số họ đã hoàn thành các phiếu phỏng vấn theo dõi. Những người tham gia đã trả lời các câu hỏi về tình trạng đau đầu gối của họ và được đánh giá các triệu chứng trầm cảm.
Gần 12% số người tham gia đã có các triệu chứng trầm cảm. Những người bị đau đầu gối ban đêm khi đi ngủ, khi đeo tất hoặc khi bước lên, bước xuống xe ô tô dễ báo cáo có các triệu chứng trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc hỏi người cao tuổi bị đau đầu gối xem họ có bị đau khi đi ngủ, khi đeo tất hoặc khi bước lên, bước xuống xe ô tô có thể giúp sàng lọc những người có nguy cơ bị trầm cảm.
Nghiên cứu này được đăng trên tờ American Geriatrics Society.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống